NGƯỜI THẦY GẮN BÓ VỚI MÁI TRƯỜNG
Mái trường
THPT Cao Lộc là nơi nuôi dưỡng và chắp
cánh những ước mơ bay cao, bay xa cho biết bao thế hệ học trò. Ở ngôi trường 43
năm xây dựng và trưởng thành ấy có một người "lái đò" miệt mài, tận
tuỵ đưa những "chuyến đò" sang sông. Đó là thầy giáo Dương Văn Mơ dạy môn Toán, Tổ trưởng tổ
Toán của trường.

Thầy Mơ là học
sinh khoá 1 của trường Cấp 3 Cao Lộc (nay là trường THPT Cao Lộc). Những năm
thầy học cấp 3 (Khoá 1967-1969) cuộc sống và điều kiện học tập của học sinh và
nhà trường vô cùng khó khăn. Từ nhà thầy (thôn Nà Hán- xã Tân Liên - Huyện Cao
Lộc) đến trường (bản Khòn Lượt- xã Gia Cát- huyện Cao Lộc) là cả một quãng
đường dài: qua sông, vượt đồi. Khó khăn ấy không làm nhụt chí người học trò
thông minh, ham học. Thầy luôn là một trong những học sinh giỏi, là niềm tự hào
của nhà trường. Tốt nghiệp Cấp 3 thầy là một trong những người được chọn cử để đi
học ở nước ngoài. Vì điều kiện gia đình thầy ở lại và quyết tâm thi đỗ vào khoa
Toán trường ĐHSP Hà Nội .
Năm 1973 cầm
quyết định về công tác tại trường THPT Cao Lộc thầy vô cùng xúc động bởi ước mơ được trở thành thầy giáo, được là
người truyền lại tri thức cho những học sinh của quê hương đã trở thành hiện
thực. Thầy sẽ có cơ hội được cống hiến cho sự nghiệp trồng người ở ngôi trường
yêu dấu. Và như là duyên phận, sau hai lần thuyên chuyển công tác sang trường Dân tộc nội trú Tỉnh, Cao đẳng sư
phạm thầy đã trở lại trường. Có lần thầy
được đề nghị chuyển sang làm công tác quản lý của trường cấp 3 nhưng ước nguyện
của thầy chỉ muốn được trực tiếp giảng dạy môn Toán. Vì vậy thầy đã tình nguyện
được làm giáo viên bình thường dạy các em học sinh cho đến ngày nay.
Từng là học
trò của một trường thuộc huyện biên giới nghèo, điều kiện sống và học tập còn
nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế nên thầy hiểu hơn ai hết những khó
khăn của học trò, của đồng nghiệp. Trong các bài giảng, thầy luôn tìm những
phương pháp truyền đạt dễ hiểu nhất đến học sinh. Thầy ân cần động viên những
học sinh sức học còn yếu kém. Và dưới sự giúp đỡ của thầy nhiều em đã vươn lên
đạt kết quả tốt. Với học sinh thầy như người cha kiên trì, nhẫn nại giúp các
con khôn lớn. Học trò ở trường rất yêu kính thầy và háo hức chờ đến tiết dạy
của thầy.
Gần 40 năm
công tác, thầy Mơ trở thành "cây đa" của Tổ. Thầy là kho kinh nghiệm
quý về chuyên môn để chúng tôi học hỏi.
Nhưng thầy không bao giờ cho phép mình bằng lòng với công việc, với kinh
nghiệm mà mình có. Đồng nghiệp luôn khâm phục ở thầy bởi tinh thần tự học, tự
đổi mới để đáp ứng những yêu cầu của ngành hiện nay.
Thầy sống giản
dị, khiêm tốn dễ hoà đồng với mọi người. Là giáo viên Toán nhưng tâm hồn của
thầy đầy ắp âm nhạc và thơ. Thầy thích hát, thích đánh đàn và hát hay những bài
hát bằng tiếng Nga. Những vần thơ của thầy khiến những con số của môn Toán trở
nên hết sức sinh động, lấp lánh như "bảy sắc cầu vồng":
Em biết không thiên nhiên muôn màu sắc?
Nhưng cầu vồng chỉ bảy sắc thế thôi
Đời học sinh còn nhiều màu nữa
Bởi em sáng tạo với vô tư
Em thích xanh bởi màu xanh trái đất
Màu hoà bình đoàn kết bên nhau
Em thích đỏ bởi màu cờ ta đỏ
Màu vàng sao chỉ lối em đi...
( Em
yêu bảy sắc cầu vồng - Dương Văn Mơ)
Cả cuộc đời
gắn bó với mái trường thầy đã phát hiện và bồi dưỡng nhiều học sinh giỏi cấp
Tỉnh. Dù ở cương vị công tác nào (Giáo viên, Tổ trưởng chuyên môn, Bí thư chi
bộ) thầy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và nhận được nhiều Giấy khen của Sở
GD&ĐT Lạng Sơn, của Đảng bộ huyện Cao Lộc. Thầy và gia đình đã hiến tặng
trường Tiểu học Tân Liên - Cao Lộc gần 100m đất để xây trường và được UBND
huyện Cao Lộc tặng giấy khen.
Những đóng góp
của thầy cho sự nghiệp trồng người của trường, của huyện rất đáng tự hào.
Nhưng phần thưởng cao quý hơn cả là
những thế hệ học trò đã trưởng thành và đang bước đi vững chắc trong cuộc đời.
Hôm nay, ở ngôi trường này có những đồng nghiệp từng là học trò của thầy: cô
Ngô Thị Thuỷ (Gv Vật Lý), cô Hoàng Thị Khằm (GV Hoá), thầy giáo Nông Trung Hiếu
(GV Toán). Nhìn các em - đồng nghiệp của mình ngày một tiến bộ thầy vô cùng
hạnh phúc.
Mỗi lần nghĩ
đến thầy Mơ- người thầy tận tâm với nghề, tôi lại nhớ đến lời của một bài hát:
Thầy kể về vầng trăng trong ca dao thuở nào.
Thầy kể về cơn mưa trên đồng ruộng quê ta.
Vầng trăng vàng lục bát, ai mang xẻ làm đôi
Cơn mưa, từng câu hò, rộn ràng cánh cò bay.
Cũng có một
vầng trăng
Nhưng sao thầy không kể,
Những đêm ngồi soạn bài
Ánh trăng vàng khuya khoắt.
Và vào những cơn mưa
Thầy ơi sao không kể
Mùa mưa thầy lặn lội
Sớm chiều với đàn em. Bao nhiêu là bụi phấn, sao không kể thầy ơi!